a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

VANG BÓNG





CHUYỆN LY KÌ VỀ ÔNG TỔ THỰC SỰ CỦA MÔN PHÁI HÌNH Ý QUYỀN


Những tranh cải quanh môn phái lừng danh

Lâu nay nói đến võ thuật Trung Hoa, người ta lập tức nghĩ ngay đến Thiếu Lâm vốn được đất nước tỉ dân này quảng bá như một thương hiệu văn hóa quốc gia nên ít người biết rằng, có rất nhiều môn công phu mà khả năng thực chiến hơn hẳn môn phái Thiếu Lâm lừng danh. Hình Ý Quyền là một ví dụ. Là một trong ba loại quyền pháp nổi tiếng nhất thuộc về nội gia quyền, Hình Ý quyền còn được giới võ lâm trung quốc xếp vào danh sách “Tứ đại danh quyền” của võ thuật truyền thống. Từ đầu thời nhà Thanh, khấp một dải đất rộng lớn từ Sơn Tây, Hà Nam, Hà Bắc… không ai không biết đến Hình Ý quyền. Đến đầu thế kỷ 20, Hình Ý quyền đã theo chân Hách Ân Quang, một cao thủ Hình Ý quyền hiện đại vượt biển đến Nhật Bản. bắt đầu từ đó, Hình Ý quyền bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản thậm chí là cả nước Mỹ xa xôi. Nhưng cũng vì lan truyền quá rộng với quá nhiều các chi phái, càng về sau này, câu chuyện về nguồn gốc của Hình Ý quyền càng trở nên mơ hồ và rối rắm. Và cuộc tranh luận “Anh sai tôi đúng” chẳng ai chịu ai cho đến tận ngày nay vẫn chưa hứa hẹn một ngày kết thúc.
Trên thực tế, những tranh cãi về Hình Ý quyền là hệ quả của hàng loạt sự nhầm lẫn mà nguyên nhân, như đã nói chính là sự truyền bá rộng rãi cùng với việc tách ghép, thành lập nhiều chi phái khác nhau cùng xuất phát từ môn phái này. Câu chuyện có lẽ phải bắt đầu từ sự ra đời của Nội Gia quyền vào những năm cuối của thế kỷ 19.
Theo những gì sử sách còn chép lại thì vào năm 1894, Bát quái quyền sư Trình Đình Hoa (1848 – 1900) (đệ tử Đổng Hải Xuyên, người sáng lập ra Bát Quái chưởng), Hình Ý quyền sư Lưu Vĩ Lan, Lý Tồn Nghĩa (1847 -1921) và Dương gia Thái Cực quyền sư Lưu Đức Khoan (? – 1911) (Đệ tử Dương Lộ Thiền) đề nghị hợp ba môn quyền thuật này lại làm một mô phái riêng biết lấy tên là “Nội Gia quyền”… Chính vì sự kiện lịch sử này, Hình Ý quyền, Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng mới trở thành ba môn võ tiêu biểu của “nội gia quyền” như ngày nay chúng ta biết đến. Điều đáng nói là, việc hợp thành một môn phái lấy tên là Nội gia quyền đã khiến cho nhiều nhà lý luận và lịch sử võ thuật khi viết về Nội gia quyền đã đánh đồng môn phái Nội gia quyền hiện đại với quyền pháp nội gia quyền của phái Võ Đang do Trương Tam Phong sáng tạo ra. Và cũng từ đây người ta bắt đầu coi Võ Đang và Trương Tam Phong là thủy tổ và Võ Đang là nơi phát nguyên của Nội gia quyền.
Mọi việc càng trở nên rối rấm hơn, khi trong các bộ quyền pháp của Võ Đang, người ta lại tìm thấy một bộ quyền pháp cũng có tên là hình Ý quyền mà ngày nay vẫn gọi là Hình Ý quyền Võ Đang. Điều này đã cũng cố thêm cho quan điểm, Hình Ý Quyền cũng như các môn võ Nội gia khác có nguồn gốc từ Võ Đang, đối lập với môn phái Thiếu Lâm, vốn là đại biểu của trường phái Ngoại gia. Người ta càng tin chắc rằng chính tổ sư phái Võ Đang Trương Tam Phong chính là người đã sáng tạo nên môn công phu nổi tiếng này. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Lục lọi sách vỡ và các câu chuyện kể lưu truyền trong dân gian, người ta còn tìm thấy một bộ quyền pháp cũng mang tên Hình Ý quyền do Nhạc Phi, một danh tướng đời Tống sáng tạo nên. Và hiễn nhiên Nhạc Phi cũng trở thành một thủy tổ của Bộ quyền pháp mà sau này lưu truyền vô cùng rộng rãi.
Một thuyết khác lại cho rằng, Hình Ý quyền thực chất là một môn võ lưu truyền trong dân gian của một bài quyền có tên gọi là Tâm Ý bả. Theo thuyết này thì Tâm Ý bả là một trong những bài quyền xuất hiện rất sớm tại chùa Thiếu Lâm trên đỉnh Tung Sơn, Hà Nam từ khi chùa mới được thành lập vào thời nhà Bắc Ngụy (384 -534) dưới triều Hiếu Văn Đế (471 – 499). Người ta đã tìm thấy rất nhiều điểm tương đông giữa Hình Ý quyền chính tông và bài quyền Tâm Ý Bả trên Thiếu Lâm Tự. Hơn thế nữa, cả hai bộ quyền pháp này đều có nội dung phù hợp với phong thái cũng như nội dung của giáo pháp Thiếu Lâm Quyền, đề cao sự hòa hợp Thân – Tâm trong nội dung giáo lý của Phật giáo Thiền tông.
Thế là một môn tuyệt kỹ có đến tận 3 nguồn gốc với ba người sáng lập khác nhau mà người nào cũng có vô số những tín đồ trung thành sẵn sàng bảo vệ đến cùng cho những tín niệm của mình. Có điều, sự thực, người sáng tạo ra Hình Ý quyền lại hoàn toàn không phải là những vị đại sư danh giá lừng lẫy mà người ta đem ra để tranh cãi.
Truyền thuyết về ông tổ thực sự của Hình Ý quyền.
Người sáng lập ra Hình Ý quền trên sự thực là Cơ Tế Khả, một sư sỹ ở tỉnh Sơn Tây sống vào thời kỳ cuối Minh đầu Thanh. Lần theo những gh chép của các chi phái Hình Ý quyền ở Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, người ta phát hiện ra rằng, dù tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau nhưng các bộ quyền pháp hình Ý quyền hiện đại đều có gốc gác từ bộ quyền pháp mang tên Lục Hợp Quyền có nguồn gốc từ Sơn Tây mà ông tổ của bộ quyền pháp này, theo những ghi chép chính xác từ sử liệu chính là Cơ Tế Khả.
Cơ Tế Khả (1602 – 1683), tự là Long Phong, người huyện Bồ Châu, tỉnh Sơn Tây. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Co tế khả đã thích côn quyền cước pháp. Bồ Châu, sơn Tây là một vùng đát chuộng võ thuật nên người luyện cũng như người dạy võ nhiều không kể hết. Từ khi lên 5, Cơ Tế Khả đã được gia đình mời thầy dậy võ nổi tiếng trong vùng về tận nhà chỉ điểm. Thế nên, trong suốt nhiều năm tuổi thơ, cậu bé Cơ Tế Khả vẫn ngày luyện võ, đêm học Thi Thư. Nhờ dụng công học tập, lại thông minh đĩnh ngộ hơn người, không lâu sau đó, Cơ Tế khả đx trở thành một thành niên văn võ song toàn.
Chuyện kể rằng, một ngày, cậu thanh niên cường tráng nhà họ Cơ đang luyện võ bên bờ sông Hoàng Hà thì không biết một ông lão râu tóc bạc phơ từ đâu xuất hiện. Thấy cậu thanh niên trẻ trung, tráng kiện đang hăng say luyện quyền cước, ông lão chống gậy đứng lại chăm chú nhìn từ động tác. Rồi vừa vuốt râu vừa gật đầu mỉm cười, ông lão đã đứng yên ở một góc xem Cơ Tế Khả luyện Chín chín tám mươi mốt lần bài quyền cho đến khi toàn lưng cậu ướt đẫm mồi hôi. Đến khi Cơ Tế Khả dừng lại nghĩ, ông lão mới nhẹ nhàng vuốt chòm râu bạc nói: “Chàng trai trẻ! Ta đứng đây từ nãy xem cậu luyện võ, thấy quyền cước của cậu cũng không tệ đâu, căn cơ cũng có thể coi là chắc chắn rồi. Có điều nhãn thần của cậu thì hơi kém. Tốt nhất là cậu nên vào cái hồ ở trong thôn mà rửa mắt đi rồi hãy luyện tiếp”.
Nghe ông lão nói, Cơ Tế Khả cũng bán tín bán nghi nhưng nghĩ rằng mình luyện tập đã mệt, mồ hôi ướt đẫm cẩ áo nên quyết định làm theo lời của ông lão ra hồ nước của thôn rữa mũi và mắt. Đến khi Cơ Tế Khả quay lại bãi đất ven sông thì ông lão tóc bạc đã đi tự khi nào. Trong lòng chàng trai trẻ Cơ Tế khả bỗng nhiên có chút hoài nghi, Bèn theo lời ông lão thử đi một vài đường quyền. Vừa mới vung tay, Cơ Tế Khả đã cảm thấy quyền pháp của mình trở nên linh hoạt và mạnh mẽ hơ hẳn so với một lúc trước đây. Đến lúc đó, Cơ Tế Khả mới giật mình: “đây chính là dị nhân đã chỉ điểm, dạy cho ta bí quyết luyện quyền pháp rồi!”. Từ đó trở về sau, hàng ngày Cơ Tế Khả vẫn theo thói quen đến bến sông Hoàng Hà để luyện tập võ nghệ. Nhưng khác với trước đây, sau khi luyện công xong, Cơ Tế Khả lại vòa thôn lấy nước hồ rửa mắt. Càng luyện, Cơ Tế Khả càng thấy võ công của mình tăng tiến vượt bậc. không chỉ quyền pháp trở nên mạnh mẽ linh hoạt mà công lực cũng tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đó. Cũng trong thời gian ấy, Cơ Tế Khả luyện thành công phu “Phi mã điểm duyên đầu” (cưỡi ngựa chọc xà nhà) độc nhất vô nhị, khiến nhiều người phải thán phục. Mình cưỡi ngựa, tay cầm thương, Cơ Tế khả phóng như bây trên đường rồi dùng thương chộc vào những xà nhà lộ ra dưới mái hiên. Thương pháp của Cơ Tế Khả tinh diệu đến mức, ông muốn dùng thương đâm vào chiếc xà nào là đâm trúng mà đều là đâm trung tâm của cây xà. Hơn nữa, những chiếc xà bị đâm trúng không chiếc nào còn nguyên vẹn dưới ngọn thương cường mãnh của ông. Cũng nhờ quyền pháp hơn người, thương pháp lại tuyệt luân khó bì,nên những cao thủ trong vòng trâm dặm ai cũng ngưỡng mộ Cơ Tế Khả là “thần thương tiêu tướng”
Là một cao thủ thân đầy võ nghệ thế nhưng Cơ Tế Khả hoàn toàn không phải là kẻ võ phu, hữu dũng vô mưu. Ngày luyện võ, đêm học Kinh Thư, rùi mài kinh sử nên ngoài võ công hơn người, Cơ Tế Khả còn là một người mang nặng ảnh hưởng của nền giáo dục Nho gia truyền thống. Chính vì thế , sinh ra và lớn lên trong thời kì người Mãn tấn ông Trung Nguyên, lật đổ nhà Minh , thành lập nên đế chế Thanh triều của Người Mãn, Cơ Tế Khả là một trong những nhân sỹ Hán tộc mang tư tưởng phản Thanh phục Minh rất mạnh mẽ.
Sau khi thiết lập sự cai trị của chính quyền Thanh triều, tầng lớp quý tộc Mãn tộc đã ra sức bóc lột áp bức những người Hán, Khiến mâu thuẫn dân tộc Hán – Mãn trở nên căng thẳng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những cuộc khởi nghĩa phản Thanh phục Minh trong suốt nhiều chục năm đầu sau khi nhà Thanh được thành lập. Cơ Tế Khả cũng là một người tham gia tích cực trong những hoạt động chống đối triều đình ngoại tộc này. Rời bỏ quê hương Sơn Tây, Cơ Tế Khả đi khắp nơi trong cả nước tìm kiếm kế sách diệt Thanh phục Minh.
Một lần, trên đường đến Hà Nam, khi đến ngọn núi Trung Điều, nơi giáp ranh giữa Bình Lục và Nhuế Thành, Cơ Tế Khả đã gặp phải một khe núi sâu ngăn lối đi. Trời sắp tối không thể quay trở lại được nữa, Cơ Tế Khả quất ngựa phóng lên phía trước định nhảy qua khe núi sâu. Không may, con ngựa sợ bóng tối nhẩy không đủ lực, trượt chân ngã xuống khe núi. Trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc đó, Cơ Tế Khả vẫn không haong mang. Buông dây cương, hai tây chống lên lưng ngựa rồi tung người lên phía trên. Sau cú xoay người ngoạn mục, Cơ Tế Khả đã nắm được một cành cây nhỏ mọc ra trên vách đá cheo leo giữa khe núi sâu, thoát chết chỉ trong gang tấc. Trong đêm đó, Cơ Tế Khả đến Hà Nam bình yên vô sự.
Vào thời điểm đó, Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn Hà Nam là một trong những căn cứ lớn của lực lượng kháng Thanh phục Minh. Thời ấy, do nhu cầu lực lượng cho các cuộc khởi nghĩa, việc chiêu mộ môn đồ của Thiếu Lâm Tự lấy cuộc đấu tranh kháng Thanh làm mục tiêu hàng đầu. Nhưng cũng vì tham gia cuộc kháng Thanh này mà Thiếu Lâm Tự một lần nữa vang danh thiên hạ.
Cơ Tế Khả ở tận Sơn Tây nghe tiếng Thiếu Lâm Tự là nơi những người có chí kháng Thanh thường xuyên lui tới mới không quản ngàn dặm xa xôi tìm đến chốn thánh địa của võ lâm này. Tại đây, Cơ Tế Khả đã quen biết rất nhiều các chí sỹ cùng chí hướng Họ cùng nhau sống ở Thiếu Lâm Tự, bàn chuyện chính sự, giao lưu võ nghệ, mư tính đại sự phục hưng một ương triều đã sụp đỗ mà họ một lòng trung thành. Ở Thiếu Lâm tự, với võ công hơn người, lại am tường kinh sử, Cơ Tế Khả nhận được sự tán thưởng của không ít tăng nhân Thiếu Lâm, các môn sinh Thiếu Lâm Tự cũng như các cao thủ võ lâm thường xuyên lui tới. Sau đó ít lâu, người ta tôn Cơ Tế Khả lên hàng phu tử và yêu cầu ông dạy võ cho những môn sinh tìm đến Thiếu Lâm theo tiếng gọi kháng Thanh phục Minh.
Có cơ hội cọ xát với võ nghệ tinh diệu của Thiếu Lâm Tự, vùng đất thánh của võ lâm cùng rất nhiều các môn phái trên khắp cả nước đã giúp võ công của Cơ Tế Khả một lần nữa đại tiến. Là người có chữ nghĩa, ngoài việc rèn luyện trao đổi võ công, Cơ Tế Khả không ngừng mày mò, tìm hiểu những chổ yếu của bản thân để sửa đổi, bù lấp. Và cuối cùng, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Cơ Tế Khả đã sáng tạo nên bộ quyền pháp Hình Ý quyền nổi tiếng sau này.
Câu chuyện về sự ra đời của Hình Ý quyền có đôi chút ngẫu hứng và ly kỳ. Người ta kể rằng, sau đó, Cơ Tế Khả nổi tiếng với thương pháp đặc biệt là công phu “Điểm duyên công” (chọc xà nhà), sau gọi là Lục Hợp Thương. Nhưng vì khi đó, phong trào khởi nghĩa kháng Thanh phát triển quá mạnh mẽ, nên triều đình nhà Thanh quyết định ra lệnh cấm không cho người dân cất giữ vũ khí trong nhà, thương pháp tuyệt luân của Cơ Tế Khả trở thành thanh kiếm báu không tìm được đất dụng võ. Không muốn mai một bộ thương pháp tuyệt luân của mình, trong suốt thời gian ở Thiếu Lâm Tự dạy võ, Cơ Tế Khả vẫn trăn trở tìm cách truyền thụ Lục Hợp Thương cho hậu thế.
Một ngày, đang luyện công trước cửa đại điện, Cơ Tế Khả bỗng nhìn thấy ngoài sân có hai con gà trống đang đánh nhau. Nhìn hình tư thế của hai con gà trong trận ác chiến, Cơ Tế Khả như bi mê hoặc, không dứt ra được. Đột nhiên, một linh cảm bỗng đến với Cơ Tế Khả.Ông nghĩ, cổ nhân đã ừng sáng tạo nên Ngũ Cầm hý chẳng phải cũng lấy ý tưởng từ những cuộc ác đấu giành sự sống của các loài chim trong thế giới tự nhiên đó sao? Vì sao ta không thể sáng tạo nên một bộ quyền pháp kết hợp giữa Lục Hợp thương với thế đánh của con gà trống kia? Nghĩ vậy, Cơ Tế Khả bắt đầu quan sát kỹ lưỡng các thế đánh của con gà rồi tìm cách kết hợp với Lục Hợp thương tinh xảo của mình để sáng tạo nên một bộ quyền pháp mới. Sau đó, ông còn kết hợp luôn 5 loại quyền pháp Thiếu Lâm mô phỏng thể đánh của các loài thú trong tự nhiên như Long, Hổ, Báo, Xà, Hạc và cuối cùng đã sáng tạo nên một bộ quyền pháp độc đáo riêng của mình. Ban đầu, Cơ Tế Khả đặt tên cho bộ quyền pháp này là Hình Ý Lục Hợp quyền, tức “Tâm hợp với ý, ý hợp với khí, khí hợp với lực, vai hợp với hông, hông hợp với chân, tay hợp với chân”.
Sau khi Cơ Tế Khả sáng tạo nên Hình Ý lục Hợp quyền, để truyền bá rộng rãi bộ quyền pháp của chính mình ngay trên mảnh đất thánh của võ lâm Thiếu Lâm Tự là điều hoàn toàn không dễ. Chính vì vậy, khi đó, Cơ Tế Khả đã tuyên truyền rằng, trong tời gian bôn ba khắp nơi, ông ta từng bái sư ở núi Chung Nam và ngẫu nhiên có được cuốn quyền phổ bí truyền của Nhạc Vũ Mục, tức Nhạc Phi, một danh tướng chống Kim nổi tiếng thời Nam Tống. Với danh nghĩa Nhạc Phi, một người được người dân Trung Quốc cũng như những người yêu võ thuật sùng bái như một vị thánh của “lòng tinh trung báo quốc” nên tại thời điểm đó, Hình Ý Lục Hợp quyền của Cơ Tế Khả được rất nhiều người theo học. Đây cũng chính là lý do vì sao, sau này nhiều người lại tìm thấy quyền pháp Hình Ý quyền như một tuyệt kỹ bí truyền của vị danh tướng đời Tống, Nhạc Phi. Ngoài ra, việc Cơ Tế Khả sống và dạy võ suốt một thời gian dài ở Thiếu Lâm Tự cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người ta tìm thấy bộ quyền pháp tướng đối giống với Hình Ý quyền, và cho rằng Hình Ý quyền bắt nguồn từ môn phái Thiếu Lâm.
Cuộc phiêu lưu rắc rối của tuyệt kỷ Lục Hợp quyền.
Hơn 10 năm sống ở Thiếu Lâm Tự với hùng tâm tráng chí về một ngày phục dựng lại vương triều nhà Minh nhưng nhìn cảnh giang sơn nhà Thanh ngày một được củng cố vững chắc, cái hùng tâm tráng hí xưa kia dần tan biến như bong bóng. Chẳng thể nào làm khác được nữa, Cơ Tế Khả đành rời Thiếu Lâm Tự trở về quê hương, ở võ quán thu nhận đệ tử, truyền dạy võ công, sống qua quãng đời còn lại. Hình Ý Lục Hợp quyền cũng từ đây bắt đầu cuộc phiêu lưu rắc rối làm điên đầu nhiều nhà nghiên cứu sau này.
Ngoài truyền dạy Hình Ý Lục Hợp quyền cho 6 người con của mình, Cơ Tế Khả còn truyền môn tuyệt kỹ này cho 2 người ngoại tộc là Tào Kế Võ. Tào Kế Võ là một vị danh tướng làm quan dưới triều Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh. Sau này, Tào đem bộ quyền pháp này dạy lại cho hai anh em Đới Long Bang và Đới Lăng Bang, đều là người tỉnh Sơn Tây và một người Hà Nam khác tên là Mã Học Lễ. Từ hai nhân vật Đới Long Bang và Mã Học Lễ, môn phái Hình Ý Lục hợp quyền bắt đầu phân chia thành nhiều nhánh khác nhau.
Từ Mã Học Lễ, bắt đầu chi nhánh Hình Ý Lục Hợp Quyền Hà Nam, lấy tên là Tâm Ý Lục Hợp Quyền. Mã Học Lễ chỉ lưu truyền môn võ này cho những người theo đạo Hồi. Sau này Lự Khao Cao là người đầu tiên không phải người Hồi được học Tâm Ý Lục Hợp quyền.
Trong khi đó, Đới long Bang dạy Hình Ý Lục Hợp quyền cho hai con là Văn Lương và Văn Huân và một người ngoại tộc là Lý Lạc Năng, còn được gọi là Năng Nhiên. Đới Văn Lương và Đới Văn Huân chỉ truyền dạy cho con cháu, không truyền Hình Ý Lục Hợp quyền ra bên ngoài. Mãi tới Đới Khôi, do không có con trai nên mới chịu truyền môn võ này cho người ngoài. Từ đó, Hình Ý Lục Hợp quyền chi phái Sơn Tây mới phổ biến với tên gọi là Tâm Ý quyền.
Một nhánh khác bắt nguồn từ đệ tử ngoại tộc của Đới Long Bang là Lý Lạc Năng. Lý Lạc Năng vốn là người Hà Bắc, nên sau khi đến Sơn Tây theo học Đới Long Bang, Lý trở về quê thu nhận đệ tử truyền dạy võ công. Từ đó, một nhánh khác của Hình Ý Lục Hợp quyền mới bắt đầu thịnh truyền ở Hà Bắc với tên gọi là Hình Ý quyền. Do truyền bá rộng rãi, môn phái của Lý Lạc Năng được nhiều người biết tới hơn hai chi phái Tâm Ý quyền của Sơn Tây và Tâm Ý Lục Hợp quyền ở Hà Nam. Sau này, nhiều đệ tử của Hình Ý quyền đều là những võ lâm cao thủ nổi tiếng trong khắp cả nước vì vậy, tên gốc của Hình Ý Lục Hợp quyền mà Cơ Tế Khả sáng tạo ra dần dần được nhiều người gọi là Hình Ý quyền theo tên gọi của chi phái Lý Lạc Năng sáng tạo nên. Lý Tồn Nghĩa, người sau này đã “có công” hợp nhất ba môn phái Hình Ý quyền, Bát Quái chưởng và Thái Cực Quyền, sáng lập nên môn Nội Gia quyền chính đồng thời tạo nên sự nhầm lẫn và những cuộc tranh cãi không ngớt sau này chính là đệ tử của Lưu Kỳ Lan, một trong 8 đại đệ tử chính tông của Lý Lạc Năng. Nói cách khác, môn Hình Ý quyền Hà Bắc thịnh truyền ngày nay trên thực tế là một trong ba chi phái của Hình Ý Lục Hợp quyền có nguồn gốc từ Cơ Tế Khả cùng với Tâm Ý quyền ở Sơn Tây và Tâm Ý Lục Hợp quyền ở Hà Nam.
Chiến đấu pháp của Hình Ý quyền có thể tóm gọn trong hai câu: “khoái công trực thủ, hậu phát tiên chí” (tấn công nhanh trên đường thẳng, đi sâu tới trước), “thiếp thân kháo đả, dĩ đoãn chế trường” (đến sát thân ddihj vừa hất vừa đánh, dùng đòn ngắn thắng đòn dài). Những môn đồ của Hình Ý quyền chuyên đánh trên đường thẳng, nhập vào trung môn, nên không cho địch thủ có cơ hội phát triển đòn công và tuy ra đòn sau nhưng đòn lại tới trước. tuy nhiên mỗi chi phái lại có mang một đặc điểm đấu pháp khác nhau.
Chi phái Hà Bắc đòn thế ngắn gọn, đơ giản dựa trên 17 thế căn bản của Ngũ Hành quyền và Thập Nhị Hình quyền. Chi phái Sơn Tây gần với chi phái Hà Bắc hơn. Các bài quyền của chi phái này bao gồm Ngũ Hành Quyền, Thập Đại Hình, Giao Tế tứ bả, Ngũ Thãng hạp thế… chi phái Hà Nam thì khác hẳn hai hệ phái trên, đòn thế rộng hơn, mạnh bạo hơn, căn bản chỉ có Thập Đại Hình quyền, Quyền thuật có những bài như Thập Đại Hình, Tứ Bả trùy…
Điều đáng nói là mặc dù là một môn phái có nguồn gốc từ miền Bắc Trung Quốc, nơi võ thuật rất chú trọng và phát triển cước pháp nhưng Hình Ý quyền lại chủ yếu phát triển quyền pháp với những đòn thế đơn giản và mạnh bạo. Những đòn chân trong Hình Ý quyền thường không cao quá bụng, nhưng chắc chắn và cương ngạnh. Cũng có lẽ vì lý do này Hình Ý quyền vẫn tồn tại trong làng võ như một đóa kỳ hoa hàm chứa nhiều bí ẩn.

SƯU TẦM

 Đầu Năm Mới, Mời Đọc: Một Chút Lan Man



Ngẫm lại sự đời, tôi thấy hình như hầu hết chúng ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ! Hừm! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.
Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75! Vậy tại sao ta không nghĩ ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải.... nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!
Còn đối với các vị phụ nữ cũng có khi gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Thân thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sẵn của nó, không cần hỏi han ta, không cần biết ta có “chịu” không! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ.
Trái lại, nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Từ ngày "thế giới phẳng" thông qua internet, ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với người nhà nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện với mọi người bên cạnh thì nhiều khi đã lỡ nhịp!
Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.
Từ ngày biết thương "thân thể" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho thân thể của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá!
Một người bạn tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương ông quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được?
Giá ông nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn ông ăn thấy ngon, thấy sướng! Tôi cũng biết cho thân thể của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được!
Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp!
Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!
Nên nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe được, không thì đóng lại; mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy được, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!
Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là mắt xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành.
Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chính cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.

Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Có lẽ như vậy hay hơn cho mình.


BS. Đỗ Hồng Ngọc


HAPPY NEW YEAR 2018






Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

MONG MANH THÁNG 1/2018






CẢM TẠ TÌNH NHAU

 

Kỷ vật




Tôi cẩn thận nhét vào vali một gói đồ mà nhỏ em gái tinh nghịch đã viết bên ngoài hai chữ ”kỷ vật”. Chuẩn bị cho một chuyến đi xa, cách nhau cả nửa trái đất và một đại dương mênh mông.
Thành phố Đà nẵng có hai trường trung học nổi tiếng, tôi may mắn là học sinh của cả hai trường, dù ở Phan châu Trinh tôi chỉ học có hai năm cuối cùng của bậc trung học, sau năm 1975.
Tôi trúng tuyển vào Nữ trung học Đà nẵng niên khóa 69-70. Lớp tôi có khoảng sáu chục nữ sinh từ nhiều trường tiểu học trong thành phố; trước lạ sau quen dần dần sau bốn năm trung học đệ nhất cấp, tình bằng hữu như gắn bó chúng tôi thành chị em một nhà. Lớp trưởng là chị cả. Hàng xóm là các lớp bên cạnh. Cuối năm lớp chín, mỗi nữ sinh phải chọn cho mình một ban A, B, C… tùy theo khả năng và ước mơ của mình. Thật ra, thời chúng tôi lúc đó, việc chọn ban ngành còn lệ thuộc vào ý kiến của cha mẹ nữa. Tánh tôi thì thích văn chương, yêu văn nghệ. Cụ thể là năm nào tôi cũng có bài đăng trong bích báo của lớp, văn nghệ tất niên năm nào tôi cũng có mặt trong các mục múa hát. Giai đoạn khói lửa của đất nước, tôi còn mơ sau này trở thành phóng viên chiến trường nữa mới ác liệt chứ! Vậy mà tôi đành phải gạt nước mắt, chia tay đám chị em văn nghệ văn gừng để ghi danh vào ban A (lý hóa, vạn vật) vì ba má tôi muốn sau này tôi làm bác sĩ, dược sĩ… tôi nhớ, tôi đã khóc và cãi bướng với ba tôi… ”con làm văn sĩ, viết văn, viết truyện khỏe re! bí quá thì con cho nhân vật chính chết… hoặc mê man bại liệt là xong. Ba má muốn con làm bác sĩ lỡ xui xẻo bệnh nhân lìa đời rồi con đi tù à??? ”. Nói gì thì nói, ba tôi đã phán cho tương lai tôi một chữ A là chấm hết.
Mùa hè năm 1974, khi tình hình đất nước đang sôi động vì chiến tranh, lũ chúng tôi lứa tuổi 15, 16 dường như vẫn còn thờ ơ với thời cuộc lắm. Chẳng có gì quan trọng hơn những ngày trước hè bằng những cuốn lưu bút chuyền từ tay đứa này sang tay đứa kia. Buồn cười, trong lưu bút đứa nào như đứa nấy, thế nào cũng bắt đầu bằng… ve kêu, phượng nở…. hè sang, rồi… lá bạc hà trong gió lao xao… rồi… chia tay nhớ thầy cô… nhớ bạn bè…. chao ơi! chỉ có ba tháng hè thôi, khai trường năm tới thế nào cũng gặp lại ở sân trường, dù có khác ban, khác ngành thì cũng dưới mái nhà Hồng Đức, vậy mà ai nấy đều than thở như là một cuộc chia ly… ngàn trùng… xa cách!
Lật từng trang lưu bút, đọc lại những dòng chữ đã phai màu mực theo năm tháng, tôi như thấy lại hình ảnh tôi và bạn bè tuổi mười bốn, mười lăm. Thuở mới biết làm duyên khi bắt gặp một ánh nhìn từ đôi mắt ai kia xa lạ. Thoảng đâu đây mùi thơm dìu dịu của lá bạc hà, tiếng lao xao bước chân giờ tan học. Giong thầy Cung thế Mỹ vang lên từ loa phóng thanh của trường ”Giờ toán cô Quy hôm nay được nghỉ, các em ra phía sau văn phòng chơi…” Và tiếp theo là tiếng reo hò như đàn ong vỡ tổ của đám ”nữ sinh thùy mị”.
Thấp thoáng trong tôi, hình ảnh những tà áo hoa, áo màu của các cô giáo bên canh màu áo trắng nữ sinh. Dáng dấp quí phái của Bà Hiệu trưởng, cô Thu Nga dạy Việt văn. Hình ảnh các thầy giáo trẻ hay bị đám nữ sinh chọc ghẹo, rồi vui tính như thầy Hạc dạy công dân, thầy Tường dạy toán. Lại có thầy cô rất cần mẫn, chăm lo cho học trò như con, đó là thầy Nguyên, quản thủ thư viện, cô Ngọc Khuê dạy sử địa. À, còn thầy Hoàng Bích Sơn nữa, mỗi tuần có một giờ dạy nhạc mà lớp tôi đứa nào cũng… rét. Tôi còn nhớ cả những giọt nước mắt của cô Tuyết Nha trong giờ lý hóa, khi nghe tin thành phố Huế và Quảng trị chìm trong khói lửa. Lúc đó nhỏ Nguyệt ngồi bên cạnh đã thúc cùi chỏ vào tôi ”Ê, cô Nha cũng biết khóc mi ơi”. Vì cô Nha đẹp mà rất nghiêm, chúng tôi âm thầm đặt cho cô cái tên ”lãnh diện giai nhân”. Chính vì thế mà những giọt nước mắt của cô Nha trước tình hình đất nước đã làm chúng tôi ngạc nhiên lẫn xúc động không ít. Trải dài trong lưu bút còn là kỷ niệm những lần đi trại hè, đi tập văn nghệ, những buổi chiều lang thang bờ biển Mỹ khê nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Những lúc nghỉ hai giờ học cuối cả bọn kéo nhau đi ăn hàng, vào Cổ viện chàm nhặt hoa sứ rụng kết thành vương miện cài tóc. Tôi còn nhớ cả những lần cả lớp bị phạt cấm túc quét sân trường, hay tệ hơn là quét dọn nhà vệ sinh. Từng khuôn mặt bạn bè, không ai giống ai. Nhỏ Lê Trinh ú, Tâm Điểm cận, Lân thi sĩ, Lệ Hồng điệu, Điệp mắt buồn, Phương ruồi, Nguyệt khểnh, Vân ròm, Oanh bà lanh chanh, Ba tía, Tịnh mập… mỗi khuôn mặt là một cái tên, mỗi cái tên thì kèm theo một biệt hiệu tùy theo đặc điểm, hình dáng của nhân vật.
Khép cuốn lưu bút lại, tôi như còn nghe được tiếng reo hò của cả lớp, khi chúng tôi đoạt giải nhất bích báo. Vượt qua nhiều lớp đàn chị trong trường là bích báo Hướng dương của lớp tôi, 10A2 niên khóa 74-75. Với hình thức vừa đẹp vừa lạ, và có ý nghĩa. Đầu mùa hè năm 75, trường Nữ trở thành một trong các trại tỵ nạn cho đồng bào từ Huế và Quảng trị vào, vì không muốn số phận tờ báo vô địch trở thành vách ngăn các hố xí tạm trong sân trường, chúng tôi đã lén vào thư viện để thu hồi ”nhà vô địch Hướng dương”. Tờ báo sau đó được tặng lại cho thầy Thụy, là giáo viên hướng dẫn lớp tôi năm học 10A2. Năm cuối cùng ở Nữ trung học Hồng đức Đà nẵng. Chấm dứt luôn bao nhiêu vàng son trong đời học sinh đáng ghi nhớ. Có ai biết Hướng dương bây giờ có còn hướng về phương mặt trời hay chăng? Thầy cô ơi, bạn bè ơi… trường xưa…
Ngày tôi rời Việt nam thì trường xưa cũng không còn nữa, tôi cũng không một lần ghé lại. Rời quê hương, tôi mang theo mình cuốn lưu bút năm lớp chín và cuốn vở nháp năm lớp mười hai như mang theo cả một đoạn đời vui buồn thời cắp sách. Dù vui hay buồn, tôi biết chắc là những gì đã qua mãi mãi không bao giờ quay trở lại. Mỗi khi mở gói ”kỷ vật” ra, lòng tôi chợt bồi hồi. Tôi… nhớ…

Nguyễn-Diệu Anh-Trinh

CHAY

Trong một tiệm thuốc tây tại Montreal do người Việt làm chủ, tọa lạc bên cạnh một phòng mạch gồm toàn các bác sĩ Việt Nam, một bà già người nhỏ, thấp, mặc áo già lam, ngậm ngùi tâm sự với cô dược sĩ.
“ Tôi buồn quá cô ơi! Bác sĩ bắt tôi ăn mặn mới hết được bệnh.”
Bệnh của bà là bệnh gì, cứ trông thấy tạng người ốm yếu trước mặt, tôi cũng đoán được ra. Chắc bà bị suy dinh dưỡng. Cô dược sĩ giải thích:
“ Ở bên này thời tiết khắc nghiệt, lạnh nhiều, nếu bác không có đủ chất trong người thì cơ thể không chống trả lại được với cái buốt giá hàng năm.”
Bà già nói bằng cái giọng rầu rầu.
“ Tôi biết vậy, nhưng mấy chục năm trường chay rồi, tôi ăn mặn không quen.”
“ Không quen thì bác tập dần. Trong thời gian đầu, bác ăn xen kẽ vừa chay vừa mặn cho cơ thể có thời kỳ chuyển tiếp, sau đó ăn mặn luôn.”
Bà già kéo vạt áo lau mắt.
“ Đâu phải chỉ có vậy! Mấy chục năm chay tịnh giờ mất hết!”
Sau đó là một tiếng thở dài tiếc nuối. Tôi ngồi đợi mua thuốc, nghe câu chuyện, gài vào trong lòng. Chuyện ăn chay đâu phải chỉ là chuyện ăn mà còn là chuyện…thiêng liêng nữa. Đó là cách để con người trả giá ơn trên. Ngày xưa, khi trời làm lụt lội, bão táp, thiên tai mang hại cho dân lành, các bậc minh quân muốn…deal với trời cao đã ăn chay nằm đất, sám hối để mong trời cất nạn cho con dân. Khi chúng ta muốn cầu xin Trời Phật ban cho một ơn riêng nào, chúng ta cũng mặc cả bằng cách tự hứa sẽ ăn chay bao nhiêu ngày. Khi đã được tai qua nạn khỏi, nhiều người thấy chay tịnh nhạt mồm nhạt miệng, khó thực hành lời hứa quá, nên lại mặc cả tiếp xin Trời Phật cho gia hạn. Trời Phật vốn dễ tính nên cũng dễ nói chuyện.

Nói đến ăn chay người ta thường nghĩ đến Phật giáo vì với những bậc tu hành ăn chay là điều bắt buộc. Ăn chay theo nhà Phật, nói một cách dễ hiểu, là ăn tất cả các thực phẩm không có liên quan đến mạng sống của chúng sinh. Theo như một bài viết của thầy Thích Chân Tuệ thuộc Cơ Sở Phật Học Tịnh Quang Canada thì mục đích cốt yếu của việc ăn chay là: tránh nghiệp sát sinh và trưởng dưỡng tâm từ bi. “Người tự nguyện phát tâm ăn chay vì tâm từ bi vô lượng, coi muôn loài như bản thân mình, không giết hại một sinh vật nào, không muốn nhìn thấy một sinh vật nào đau khổ để thỏa mãn dục vọng của con người.” Các Phật tử, tùy hoàn cảnh, tùy sức khỏe, có thể phát tâm ăn chay nhiều hay ít. Ăn chay cốt ở cái tâm. Nhiều hay ít không phải là đẳng cấp phân chia trên dưới. Nhưng nhiều người ăn chay không có được cái tâm như vậy. Ăn chay là để…ăn thua với người khác. Người trường chay vênh mặt với người không trường chay, người ăn chay nhiều ngày trong một tháng nhìn người ăn chay ít ngày bằng con mắt khinh thị. “Tâm của những người như vậy chưa thanh tịnh, còn quá loạn động, lăng xăng lộn xộn, còn thích hơn thua, mua danh kiếm tiếng, khiến người không ưa, ngay trong đồng đạo, đồng môn đồng bào, cả với đồng loại, thử hỏi làm sao có thể gặp Phật, có thể thành Phật?” Tâm từ bi mới là điều kiện hàng đầu của người tấn tu theo đạo Phật. Làm tổn hại mạng sống của chúng sinh, làm tổn hại an ninh hạnh phúc của người khác, làm tổn hại thanh danh của người khác, tức làm tổn hại tâm từ bi của chính mình. Vì vậy, “người nào chưa thể ăn chay được theo nghĩa đen, có thể “ăn chay” bằng cách giữ gìn ba nghiệp (thân, khẩu, ý) thanh tịnh. Nghĩa là: thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm; miệng không nói dối, không nói lời dua nịnh, không đâm bị thóc thọc bị gạo, không nói lời thô tục độc ác, xuyên tạc ngụy biện, xiên xỏ xỏ xiên, tranh cãi liên miên, lợi mình hại người, khen mình khinh người; ý không nghĩ cách vu oan giá họa, không lập mưu thưa gửi kiện tụng người để kiếm tiền bồi thường, không tham tiền bất chánh bất nhân, không tức giận thù oán người, không chứa chấp lòng ganh tị, đố kỵ người khác. Nói chung, không ăn chay được bằng phương tiện vật chất người Phật tử tại gia nên cố gắng giữ gìn thân khẩu ý cho được thanh tịnh, trong bất cứ thời điểm nào, tại bất cứ nơi đâu. Đó chính là tu tâm dưỡng tánh vậy.”

Ăn chay như vậy là chuyện phụ, tu tâm dưỡng tánh mới là chuyện chính. Nếu bà cụ tôi gặp trong tiệm thuốc tây hiểu được như vậy thì cụ đã chẳng phí mất một tiếng thở dài. Nhưng hình như chúng ta vụ vào cái phụ hơn cái chính. Có những người ăn chay như một cách …trả nợ. Quấy quá cho xong thì thôi. Bụng thì chay, mắt thì nhìn đồng hồ. Chờ cho hai cây kim chập nhau vào giữa đêm, sang một ngày khác là…rượu thịt ê hề, cười nói hả hê. Cũng xong một ngày chay. Cô em họ tôi, theo Công Giáo, ngày ăn chay cũng kiêng cữ như ai. Nửa đêm, chuông đồng hồ vừa đổ sang ngày, vội lôi thịt thà ra ăn lấy ăn để như ngàn năm chưa thấy mặt miếng thịt!
Đạo Công Giáo ăn chay theo một kiểu khác. Mỗi năm chỉ buộc ăn chay hai ngày: Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Ăn chay có đính theo kiêng thịt. Kiêng thịt có nghĩa là chỉ kiêng thịt những động vật sống ở trên đất thôi, những động vật sống ở dưới nước như tôm, cá, mực, cua…ăn được tuốt! Trứng gà trứng vịt cũng không phải là thịt, cứ thoải mái. Không phải tất cả các giáo dân đều phải chay và kiêng. Con nít chưa tới tuổi hiểu biết thì khỏi kiêng thịt, chưa tới tuổi trưởng thành thì khỏi ăn chay. Ngày xưa, cứ mỗi thứ sáu là đều phải kiêng thịt. Nay, thứ sáu thì tùy, ai muốn kiêng thì kiêng, không kiêng cũng không sao. Ăn chay, như vậy, không phải chỉ không ăn thịt, nhưng là ăn ít hơn thường ngày. Cái ít này cũng tùy theo hoàn cảnh mà mỗi cá nhân tự tìm ra cách giữ chay của mình. Hoặc nhịn một bữa, hoặc mỗi bữa ăn ít hơn thường ngày một chút. Ngày xưa thường là nhịn bữa trưa. Ngày nay, trong bối cảnh sống khác, những người đi làm, nhất là làm việc nặng, nhịn bữa trưa là điều bất khả, sức đâu mà làm việc? Bữa tối ăn ít đi một chút coi bộ được hơn. Nếu không nhịn được thì kiêng thứ khác cũng được. Như hút ít hoặc nhịn hút nếu ai ghiền hút thuốc chẳng hạn. Tôi còn nhớ ngày xưa bà nội tôi thường nhịn ăn trầu trong ngày chay. Nhưng trong ngày ăn chay tuyệt đối không được ăn vặt, không uống rượu. Cái này mới khó chịu nếu người nào đó thuộc loài…nhóp nhép cả ngày! Cái cốt lõi của ăn chay là ép mình, cầu nguyện, sám hối trong ngày Chúa chịu nạn.
Ăn chay theo đạo Cao Đài cũng vụ vào cái cốt lõi đó. Chay là tránh ô uế tâm thân. Thánh Giáo của Đức Trưởng Giáo Sư Phụ Đại Thiên Tôn chỉ rõ: “Chay là để trọn lòng dạ của mình vào nơi một vật nào thiệt trong sạch, không bợn nhơ, không nhơ uế, không nhớp nhúa, không trái với Lương Tâm, không xấu hổ với Thần Minh dòm ngó xét, không hề thay lòng đổi dạ. Chay là vậy đó. Nếu chay được vậy rồi, thì cả châu thân của con không còn một chỗ nào mà không chay sạch tinh khiết. Không một nơi nào mà chẳng tinh khiết, rồi dùng sự chay sạch tinh khiết ấy đặng để trọn vào lòng cho đầy đủ, đừng cho khiếm khuyết một chỗ nào, ấy gọi là ăn đó. Ăn được cái sự chay như vậy mới gọi là Ăn Chay. Làm được cái sự chay như vậy mới gọi là Làm Chay. Rồi dùng cái sự chay của mình đã ăn đã làm đó đặng dưng lại cho Chư Thần xem xét, ấy gọi là Dưng Chay Cúng Chay đó.”

Tâm chay quý hơn ăn chay. Vậy thì đồ ăn chay mà cũng đủ sơn hào hải vị, cũng heo quay, gà xé phay, bò cà ri…giả thì có gọi là đồ chay không? Nhiều người nấu đồ chay cho các chùa chiền bây giờ thi nhau tài khéo trong các món chay giả món mặn. Như làm chả bằng chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhỏ với gia vị, bột thính, xong trộn đều với bí đao thái hột lựu, gói lá chuối đem hấp. Thịt gà xé phay là mì căn bóp cùng tiêu muối rau răm. Chả quế bằng khuôn đậu, phết phẩm màu trên mặt rồi đem hấp. Sườn rán là khoai lang, bọc ngoài bằng vỏ đậu xanh, chiên trong dầu lạc cho tới khi vàng rộm. Cá lóc da khía làm bằng chuối xanh tẩm gia vị. Chả ram là nấm, miến tàu, gói bánh đa nem. Thịt gà, thịt heo bằng mít non..v..v.. Khi một Phật tử ăn món chay giả món mặn như vậy thì tâm của họ là tâm ăn chay hay tâm ăn mặn? Ông nhạc tôi, vốn là người thẳng tính, đã huỵch toẹt cho ăn như vậy là đánh lừa Phật, phúc chẳng thấy đâu mà tội thì sờ sờ ra đó! Đó cũng là một tiếng chuông tuy không vừa tai nhiều người.
Nếu những món chay giả mặn này được bày bán trong các nhà hàng cơm chay mà thực khách là những người muốn ăn chay vì sức khỏe thì lại là chuyện khác. Nên lắm! Bởi vì đó là một phong cách ẩm thực mà người ngoại quốc rất thích thú khi phải ăn chay. Tôi tò mò đánh duy nhất một chữ “chay” vào Google thì màn hình hiện ra cả mấy chục trang trong đó tôi bắt được ba trang dậy nấu đồ chay bằng tiếng Anh. Trang www.youtube.com dậy nấu cơm chay bằng video đàng hoàng. Trang www.asianconnections.com và trang www.astray.com dậy nấu cơm chay (Buddha rice!). Lại còn những website quảng cáo bằng tiếng Anh và tiếng Việt những tiệm bán cơm chay như Tofoo Cơm Chay ở San Jose, Nang Tam Com Chay ở Hà Nội, Hoa Đăng ở Sài gòn. Đó là chỉ kể một vài tên. Như vậy cơm chay là một nét văn hóa của Việt Nam rất được người ngoại quốc thích thú.
Tránh đồ ăn mỡ màng, tránh thịt thà dư thừa, dân Tây phương cũng như người Việt chúng ta đang sống ở những nơi thừa mứa thực phẩm ngày nay rất chú ý tới vấn đề ăn uống thanh đạm. Tiệm ăn nào có tí chữ “cuisine santé” vắt vẻo trên cửa kiếng là thực khách ào ạt xô vào. Đồ ăn Việt Nam ít mỡ màng đang là một chọn lựa thích thú của mọi người kể từ khi anh chàng cholesterol trở nên nổi tiếng. Một bác sĩ người Mỹ lớn tuổi, hiện làm việc tại bệnh viện Fountain Valley đã đưa ra nhận xét: “ Lúc người Việt Nam mới tới định cư ở Quận Cam thì chỉ có khoảng 1 hoặc 2 phần trăm bị cholesterol, nhưng chỉ 10 năm sau thì số người bịcholesterol đã lên đến gần 10 phần trăm! Nếu muốn bớt cholesterol thì nên ăn rau trái nhiều hơn ăn thịt”.
Đối với những người muốn ăn chay vì lý do sức khỏe thì các nhà dinh dưỡng chia ra 6 loại ăn chay và ăn kiêng:
- Ăn các loại cá và thịt gà, chỉ kiêng thịt các loài động vật nhai lại.
- Ăn cá, kiêng thịt của bất cứ loài động vật nào sống trên cạn.
- Ăn trứng và sữa nhưng không ăn thịt mọi loài động vật.
- Uống sữa, không ăn trứng và thịt các loài động vật.
- Ăn trứng, không ăn thịt của mọi động vật, không uống sữa và các chế phẩm của sữa.
- Ăn chay thuần túy, chỉ ăn rau trái.
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý là thực đơn lý tưởng phải bao gồm mọi thứ có thể ăn như ngũ cốc, thịt, cá, sữa bò, rau quả, dầu mỡ..v..v.. Thịt động vật là nguồn cung cấp các loại acid amine thiết yếu cho cơ thể con người tăng trưởng và tồn tại. Nếu chúng ta kiêng ăn thịt thì có thể dùng sữa và các chế phẩm từ sữa thay thế vào. Nhưng nếu chúng ta kiêng cả sữa thì nguồn thực vật ưu tiên có thể tạm thời dùng là quả khô, tiểu mạch hay hạt hướng dương. Ăn chay hay ăn kiêng giúp cơ thể tránh được một số bệnh tật nhưng đồng thời chỉ ăn thực vật sẽ không đủ những chất cần thiết cho cơ thể của chúng ta. Để tạo được cân bằng trong cơ thể còn tùy vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân. Thường chỉ những người lớn tuổi mới nghĩ tới ăn chay toàn diện. Anh chàng cholesterol thường là một mối đe dọa hung hãn hơn cho những cơ thể đã nhão vì tuổi tác. Ông Cao Kiện, Phó Chủ Nhiệm Khoa Dinh dưỡng trực thuộc trường Đại Học Phục Đán cho rằng những người có tuổi ăn chay lâu năm sẽ dẫn đến thiếu chất sắt, sinh tố B12 và chất đạm. Ngoài ra, ăn chay quanh năm còn dễ bị chứng thiếu mỡ máu, một chất dinh dưỡng không thể thiếu trong cơ thể và là cơ sở vật chất của các tế bào mô có ảnh hưởng đến hoạt động của bạch cầu. Một vị Giáo Sư khác, ông Uông Điều Nguyên, thuộc trường Đại Học Dược Khoa Thượng Hải, cũng nhấn mạnh rằng, thức ăn có sự phân chia theo hàn, nhiệt, ôn tùy theo cơ thể của con người khác nhau. Ông cũng chia cơ thể con người ra làm sáu dạng, tương ứng với nó là các món ăn khác nhau, nhưng phải trên cơ sở chay mặn đồng đều, bất cứ sự chênh lệch nào cũng không nên. Ăn uống không điều độ và không đúng cách đều không tốt cho thể chất của con người, nhất là những người cao tuổi.
Ăn chay thuần túy có lẽ chỉ tìm được nơi những ngôi chùa ngày xưa. Thực phẩm quanh năm nằm quanh quẩn trong sân, bên cạnh bể nước mưa, ngoài vườn rau nhà chùa. Đó là chum tương, vại cà, hũ dưa, ngô khoai rau cỏ xanh ngát một vườn. Một bữa cơm đạm bạc trong chùa đúng là chay. Như bữa cơm mà Ngọc trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng đã được chú tiểu Lan dọn ra trong ngày đầu Ngọc lên thăm ông bác là sư cụ trong chùa. “Ngọc nhìn mâm cơm đặt trên bàn, mủm mỉm cười; vì buổi tối hôm ấy nhà chùa có vẻ náo nhiệt, nhộn nhịp, kẻ lên người xuống lạch cạch bát đĩa nồi mâm, thì vẫn tưởng các chú tiểu sửa soạn một bữa tiệc sang để thết khách quí. Ai ngờ trên chiếc mâm gỗ vuông chỉ thấy lỏng chỏng đĩa dưa, đĩa cà và đĩa muối vừng. Lúc đó, chú Lan bưng lên một bát đậu phụ kho tương khói bay nghi ngút.”

Cơm chay nhà chùa chỉ có vậy. Nhưng đó là chùa thời…hồn bướm mơ tiên. Chùa ngày nay hiện đại hơn nhiều. Cơm chay đã trở thành đồ cổ. Không, vẫn chay đấy chứ! Đố ai tìm được một chút mỡ, một chút thịt, một chút cá trong những bún thịt nướng, canh chua cà lóc, cà-ri bò màu mè diêm dúa trên mâm cơm nhà chùa. Mắt nhìn thì toàn món mặn (ôi những con mắt trần tục!) nhưng tâm thì phải là tâm thọ trai. Ăn cơm chùa khó như vậy, nghe tên món ăn chùa còn mệt cái tâm hơn. Nào món khai vị tri túc, súp thập thiện, bánh hỏi nhẫn nhục, cà ri tứ đế, chả ram thiền định, lẩu trí tuệ, cơm chiên bát nhã, chè ngũ giới!
Dưa, cà, tương, rau đã mất bóng. Có chăng chỉ còn trong ca dao.
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Thiệt tình! Cũng chỉ còn một nửa. Chay chỉ ở hai câu trên. Hai câu dưới đã lạc sang mặn. Chay gì được nữa!

Sưu tầm 

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

MÙA ĐÔNG NƠI ĐÂY...






Bí mật bất ngờ đằng sau thân hình to lớn và bộ đồ màu đỏ của ông già Noel



Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao ông già noel lại sở hữu một thân hình to lớn với một chiếc “bụng bia” và luôn khoác trên mình bộ quần áo và chiếc mũ lông màu đỏ tươi chưa? Có lẽ câu chuyện dưới đây sẽ đem đến cho bạn một câu trả lời thú vị.
Thuở xa xưa, người ta luôn quen thuộc với hình ảnh ông già noel với một thân hình mảnh khảnh, ăn mặc rất giản dị và thường cưỡi xe ngựa đi phát quà cho lũ trẻ. Khi ông đến, không chỉ trẻ con thích thú mà cả người lớn cũng hân hoan, bởi vì ông rất thân thiện, vui vẻ, và luôn cười “hô hô” mỗi khi xuất hiện.
Ngày nọ, một vị quý tộc khoác trên mình bộ quần áo và chiếc mũ lông đỏ tươi đi ngang qua ngôi nhà mà ông già noel đang ở. Nhìn chiếc xe kéo có gắn những cái chuông lanh canh dễ thương cùng hai chú tuần lộc xinh đẹp của vị quý tộc, ông già noel liền bị thu hút ngay. Ông thầm nghĩ:
“Chà. Bộ quần áo màu đỏ của ông ấy trông thật là nổi bật và ấm áp trong mùa đông lạnh lẽo này. Nếu mình có thể xuất hiện với diện mạo như vậy, hẳn là bọn trẻ sẽ thích lắm đây”.
Ông già noel rất thân thiện, vui vẻ, và luôn cười “hô hô” mỗi khi xuất hiện. (Ảnh dẫn qua: Pinterest)
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, ông già noel quyết định sẽ thay đổi hình ảnh. Ông tìm đến người thợ giỏi nhất vùng để nhờ bà may một bộ quần áo đỏ cho dịp giáng sinh sắp tới. 
Thế nhưng, ông già Noel không biết trong nhà mình còn có Pea – một tiểu yêu tinh ranh và nghịch ngợm. Tên Pea này vốn ghen tức vì ông già noel luôn được mọi người rất yêu quý và tôn trọng còn hắn thì chẳng có ai quan tâm nên khi biết ông già noel chuẩn bị đi may đồ, hắn liền nghĩ:
“Chà chà, những lần trước ông già noel đều dành hết tiền để mua quà tặng trẻ em và người nghèo. Lần này lại đi may đồ cho mình, xem ra ông ta cũng không tốt như người ta vẫn thường nói. Ông ta lúc nào cũng nghĩ về người khác, không màng đến bản thân ư? Lần này mình sẽ cho họ thấy bộ mặt thật của ông ta”.
Ngay đêm ấy, Pea bay đến nhà bà thợ may để thực hiện kế hoạch của mình…
Giáng sinh càng thêm ý nghĩa khi có ông già Noel xuất hiện. (Ảnh dẫn qua: pixabay)
Một tuần sau, ông già noel đến để lấy bộ quần áo mà ông đã rất háo hức chờ đợi. Thế nhưng, nó rộng đến nỗi ông không thể nào mặc vừa, cứ như là lọt thỏm vào trong đó vậy.
Thì ra, đêm hôm trước, tên tiểu yêu Pea đã lén sửa số đo của ông già noel trong sổ của bà thợ may. Hắn ta nhìn vẻ mặt mếu máo của bà thợ may mà trong lòng rất đắc ý. Hắn cười khoái trá và chờ đợi ông già mắng cho bà ta một trận.
Thế nhưng, mọi thứ đều không như hắn nghĩ, ông già noel cười lớn:“Tôi sẽ ăn thật nhiều bánh kẹo cho người to lên để cho vừa với cái áo này. Còn chiếc quần dài này ư? Tôi sẽ mang ủng là xong. Trông sẽ rất tuyệt đấy!”
Sự nhân từ và lạc quan của ông già Noel đã tạo nên một bất ngờ quá thú vị và dễ thương. (Ảnh dẫn qua: Pinterest)
Bà thợ may phì cười. Còn Pea  thì hết sức kinh ngạc. Nó đã nghĩ rằng ông già noel sẽ nổi giận với bà thợ may và không có quần áo mới cho giáng sinh này. Thế nhưng, nhờ sự nhân từ và lạc quan, ông già Noel đã tạo nên một bất ngờ quá thú vị và dễ thương, điều mà một kẻ ích kỷ như Pea chẳng bao giờ có thể hiểu được.
Cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau. (Ảnh dẫn qua: Fabic)
Có lẽ chúng ta đã rất quen thuộc với hình ảnh ông già noel nhưng đều không biết rõ vì sao ông luôn xuất hiện với cái bụng tròn tròn và thân hình mập mạp như vậy. Và…bí mật huyền thoại ấy được bắt nguồn từ một trái tim ấm áp, bao dung. Ông già noel đã có một bộ đồ không hoàn hảo nhưng tình yêu thương của ông thì hoàn hảo đến vô cùng. Và…cuộc đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, nếu chúng ta biết đặt mình vào vị trí của nhau.
Mọi điều kì diệu đều bắt nguồn từ yêu thương. (Ảnh dẫn qua: Daily mail)
Giáng sinh là mùa của yêu thương, mong bạn hãy cho đi nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn, và dành sự bao dung cho những người xung quanh, để chính mình cũng cảm thấy ấm áp hơn trong đêm đông lạnh lẽo này. Bởi, mọi điều kỳ diệu đều bắt đầu từ yêu thương…
Linh An

Có thể bạn chưa biết, câu chuyện về bà già Noel


Chúng ta thường thắc mắc rằng, tại sao luôn chỉ xuất hiện ông già Noel mà chẳng bao giờ thấy bà già Noel. Có một góc nhìn khác mà chúng tôi muốn gửi tới bạn đọc về một bà già Noel với những phép màu và lòng thiện lương ấm áp.
Trong chúng ta cái tên ông già Noel đã trở nên quen thuộc mỗi dịp Giáng sinh về, nhưng ở đất nước hình chiếc ủng, Italia, người ta lại có những câu chuyện kể về bà già Noel với một hình dáng và hành động rất kì lạ, nhưng tận sâu tâm hồn của bà, là sự yêu thương đối với trẻ nhỏ.
Trên vai bà lúc nào cũng đầy ắp những món quà mà bà sẽ phát cho những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Bà có tên gọi là: Phù thủy đáng yêu: Epifania.
Bà già Noel đã từng là một người mẹ mất đi đứa con của mình.
Ở Ý nhân vật “bà già Noel” Befana được thay cho ông già Santa Claus. Theo truyền thuyết bà là một người phụ nữ đã bị hóa điên khi bà mất đi đứa con vô cùng yêu dấu của mình, bà đi kiếm tìm con trên suốt chặng đường bất kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm, nóng nực hay rét mướt.
“Bà già Noel” Befana. (Ảnh: dante.vn)
Một lần bà gặp Chúa, bà ngỡ rằng đó là đứa con của mình, bà đã đem hết thảy những món quà mà bà tự tay làm và dành dụm tặng cho Chúa. Cảm động bởi tình yêu thương mà bà dành cho đứa trẻ, Chúa đã giao cho bà nhiệm vụ là phát quà cho trẻ em mỗi dịp giáng sinh về, bà trở thành mẹ của tất cả những đứa trẻ, và cũng là người phụ nữ có nhiều con nhất.
Vì điều ấy, mà bà rất hạnh phúc, cả một năm bà làm ra rất nhiều những món quà và vượt qua muôn vàn khó khăn, lạnh giá để phát đến tận tay những đứa trẻ đáng yêu những món quà của mình.
Cả một năm bà làm ra rất nhiều những món quà và vượt qua muôn vàn khó khăn, lạnh giá để phát đến tận tay những đứa trẻ đáng yêu những món quà của mình. (Ảnh: dante.vn)
Cũng có một câu chuyện khác kể về bà La Befana từng được gặp ba nhà thông thái và họ mời bà cùng đến gặp Chúa hài đồng, tuy nhiên do mải quét dọn nên bà từ chối. Sau đó, Befana lại xúc động nghĩ đến sự ra đời của Chúa và quyết định đi tìm Ngài để tặng quà. Bà tìm mãi, tìm mãi nhưng không thấy nên để lại toàn bộ  quà cho những đứa trẻ gặp trên đường đi vì nghĩ rằng đó có thể là Chúa.
Ở đất nước hình chiếc ủng, họ nhớ tới bà già Noel và có cả một ngày lễ dành cho bà sự yêu thương.
Vào đêm giữa ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Một, trong khi mọi người đang còn ngủ say sưa thì Befana bay lượn trên bầu trời cùng với cây chổi và đáp xuống từng nhà.
Truyền thuyết kể rằng, sau khi chui vào nhà qua đường ống khói Befana cũng để những món quà của mình trong những chiếc tất được lũ trẻ treo ở đầu giường hay ở lò sưởi. Nhưng khác với Ông già Noel, phù thủy Befana lại chỉ tặng quà là những viên kẹo và đồ ngọt cho những đứa trẻ ngoan, còn những đứa trẻ hư thì chỉ được nhận từ bà là những viên than đen sì.
Đối với những đứa trẻ với bình thường lúc hư lúc ngoan thì trước tiên chúng sẽ lôi được từ trong tất là than nhưng sau khi tìm kĩ sâu ở phía bên dưới tất thì sẽ thấy kẹo, sô cô la.
“Befana” là từ bắt nguồn từ ‘ Epifania ” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là  sự xuất hiện.
Theo như truyền thống tôn giáo thì ngày mùng 6 tháng Một được gọi là ngày Epifania, ngày này thường được xem như là ngày để kết thúc chuỗi ngày nghỉ Giáng sinh. 
Sau khi chui vào nhà qua đường ống khói Befana cũng để những món quà của mình trong những chiếc tất được lũ trẻ treo ở đầu giường hay ở lò sưởi. (Ảnh: pinterest.com)
Cũng từ đó, cứ hằng năm, bà lại đến từng nhà và trao quà cho từng đứa trẻ với hy vọng một trong số chúng là chúa Giê-su. (Ảnh: Partecipiamo.it)
Ở các thành phố lớn như Rome hay Napoli thì trong những ngày này người ta thường tổ chức những buổi diễu hành, triển lãm, hội chợ hoặc những buổi trình diễn của các nghệ sĩ đường phố.
Đối với trẻ em nơi đây thì tình cảm của chúng dành cho bà già Noel là một thứ tình cảm gần gũi và thân thương. Chúng đã sáng tác cả một bài thơ vần để tặng cho bà, phù thủy Befana như là :
“Phù thủy Befana đến trong đêmvới đôi giầy mà cái nào cũng hỏngđem theo một túi đầy quàđể tặng cho những bé ngoan”.
Ngày lễ Epifania. (Ảnh: dante.vn)
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng, tình yêu thương đối với con người không nằm ở bề ngoài. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ nội tâm sâu thẳm, nên để đánh giá và nhìn nhận về yêu thương thì người ta thường nhìn vào tấm chân thành ẩn giấu phía sau đó mà chẳng màng tới những gì họ mang trên người. Có thể trong số những phù thủy, vẫn có những phù thủy tốt, đồng nghĩa với phía sau những người có vẻ mặt hung tợn vẫn là những trái tim nồng hậu. Sự thay đổi của một con người nằm ở sự bao dung và vị tha của mọi người.
Tịnh Tâm – Hà Phương