a

THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU MỘT NĂM MỚI GIÁP THÌN AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC

b

b
CHÚC QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN HOÀNG DIỆU NĂM GIÁP THÌN VẠN SỰ NHƯ Ý - AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

Cách xưng hô của người Việt Nam


 Con gái tôi, một hôm đi làm về, vừa cười vừa nói:

- Hôm nay con gặp một người học trò của ba, anh ấy hỏi thăm thầy Thiết và gởi lời thăm chị.

Nó chỉ vào tôi và cười: - Chị tức là mẹ đó.

Một lần khác nó nói:

- Hôm nay một người học trò của ba nói chuyện với con, gọi con bằng cháu và xưng bằng chú. Xưng hô như vậy đâu có được. Con gọi anh ấy bằng anh và xưng bằng em.
Cách xưng hô phiền toái

Quả thật cách xưng hô của người Việt Nam phức tạp vô cùng và cũng rất tế nhị. Gặp nhau mà xưng hô không đúng dễ làm phật lòng nhau lắm. Người ngoại quốc học tiếng Việt thấy cách xưng hô ngôi thứ nhất thôi mà nào chị, anh, cháu, con... là thấy chóng mặt liền, ngôi thứ nào cũng biến hóa trăm cách như mê hồn trận, chẳng bù tiếng Anh tiếng Pháp cứ hai chữ You Me, Toi Moi là xong hết.

Có lẽ do cuộc sống của người Việt Nam quá gắn bó với gia đình, thiên về tình cảm, coi nhẹ phần lý cho nên khi nói người ta cũng bộc lộ tình cảm một cách mạnh mẽ, cách xưng hô trong gia đình nhiều khi đem ra áp dụng ngoài xã hội làm cho người nghe khó phân biệt. Tuy phiền phức, nhưng nhìn chung vẫn có thể phân biệt ba cách xưng hô cho ba hoàn cảnh khác nhau:

- Cách xưng hô trang trọng ở cửa công

Bỏ qua cách xưng hô nặng nề thời phong kiến có tính cách đề cao cấp trên và hạ thấp người nói thái quá (Em, Con Cháu/Quan Lớn, Cụ, Ngài...), ở các cơ quan làm việc người ta thường xưng hô lịch sự là Tôi/ Ông Bà, người trẻ thì gọi là Cô Cậu hoặc Anh Chị. Bạn đồng nghiệp thì xưng hô Tôi/ Anh Chị. Người ta không gọi chú bác cô dì con cháu ở đây để giữ tính chất trang nghiêm của công việc.

- Cách xưng hô trong gia đình:

Cách xưng hô trong gia đình dựa theo cấp bậc mà gọi Ông Bà/ Cháu, Cha Mẹ/Con. Các con trong gia đình gọi nhau là Anh Chị Em. Bác Chú Cô bên họ cha gọi là bên Nội, Cậu Dì bên họ mẹ gọi là bên Ngoại. Cha mẹ của cha thì gọi Ông Nội Bà Nội, cha mẹ của mẹ thì gọi Ông Ngoại Bà Ngoại. Người miền Trung miền Nam có cách gọi thân thương đơn giản là Ngoại, Nội. Người xứ Huế nhiều khi dùng chữ Ôn Mệ thay cho Ông Bà, O thay cho Cô. Những cách gọi đó không thay đổi, riêng cách gọi giữa vợ chồng và con cái gọi cha mẹ thì khác, rất đặc biệt và thú vị, nhiều khi rất ngộ nghĩnh.

- Vợ chồng gọi nhau từ các vùng miền

Khi mới cưới nhau về, đôi vợ chồng son còn ngượng ngùng thì gọi “Ai ơi về ăn cơm”, nhưng thông thường họ gọi nhau bằng Anh/ Em rất ngọt ngào.

**Anh đi em ở lại nhà
Vườn rau em hái mẹ già em nuôi. (Ca dao)**

Hoặc họ gọi nhau bằng Mình rất thân thiết, trong thơ ca thường xưng hô Ta/ Mình:

**Mình về ta chẳng cho về
Ta níu lấy áo ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ câu thơ,
Câu đợi câu chờ câu nhớ câu mong. ( Ca dao)**

Khi ra ngoài giới thiệu với bạn bè, họ thường dùng chữ Nhà Tôi thay cho Chồng Tôi, Vợ Tôi. Người ta cũng hay dùng chữ Ông Xã, Bà Xã thay cho Nhà Tôi. Người vợ còn được gọi theo tên chồng, cũng là chuyện thường thấy ở xã hội Việt Nam.

Khi hai vợ chồng có với nhau vài đứa con rồi, nhiều người thay đổi cách xưng hô, lúc bấy giờ họ đứng ở vị trí con mà gọi nhau: Bố này, hay Bố nó này, Mẹ nó này, hay Ba Mẹ, Ba Me, Ba Má. Đến khi họ có cháu, cách gọi thay đổi thêm một bậc nữa, họ gọi nhau bằng Ông Bà, người miền Trung thì gọi là Ôn Mệ, hay Ôn Mụ. Chữ Mụ cũng dùng để gọi người phụ nữ đã có chồng. Xứ Huế đã dùng hai chữ Ôn Mụ trong một trường hợp rất vui, họ dùng để chỉ Ông Trời Bà Trời: “Trời vừa mưa vừa nắng, Hai Ôn Mụ mắng nhau.” Bà Trời! Có nước nào khác còn có một hình tượng Bà Trời nữa không nhỉ?
Cách lấy tên con đầu lòng để gọi cha

mẹ cũng thường xảy ra. Trước mặt nhà tôi có hai vợ chồng từ Miền Bắc vào mà mọi người đều gọi là ông Trung bà Trung, mãi mấy năm sau tôi mới biết, thì ra Trung là tên của đứa con trai đầu của họ!
Con cái, cha mẹ gọi nhau

Con cái gọi cha mẹ cũng tùy từng miền và từng vùng, có vài nét khác nhau. Ở Miền Bắc, nhiều gia đình thường gọi Cha Mẹ, những gia đình dễ dãi thì gọi Bố Mẹ, nhiều gia đình còn gọi mẹ bằng nhiều chữ rất lạ lùng: U, Bủ, Bầm, Đẻ. Tiếng gọi dành cho mẹ nhiều hơn, thân thiết hơn, chứng tỏ người mẹ gần con chăm sóc con nhiều hơn. Những gia đình sinh con khó nuôi, ở Miền Bắc và cả ở Miền Trung thường gọi cha mẹ là Thầy Mẹ, Thầy Me, Cậu Mợ, Chú Thím, Chú Mạ để tránh bị ma quỷ bắt đi.

Cha mẹ gọi con cái hoặc bằng tên hoặc theo thứ tự. Miền Bắc gọi con đầu lòng là Cả, Miền Trung và Miền Nam chỉ gọi Hai. Riêng người xứ Huế chỉ gọi tên mà không gọi theo thứ tự.

Ở Miền Trung con cái thường gọi cha mẹ là Ba Mạ, Ba Má, về sau nhiều người chịu ảnh hưởng của Pháp còn gọi Ba Me (giống chữ Thầy Me, Me là do chữ Mère của tiếng Pháp mà ra) hoặc là Măng (do chữ Maman của tiếng Pháp). Tiếng Me và Măng sau này dần dần mất đi.  Riêng ở miền Nam chữ Ba Má được dùng nhiều hơn, một số gia đình gọi cha là Tía nên có bài hát Tía Má Em ngây thơ mang đầy ước vọng của con trẻ chốn đồng quê: “Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân. Má em là một người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la...”

Trong thơ ca người ta thường dùng chữ Cha và Mẹ thống nhất chung cho cả nước.

**Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ. (Ca dao)
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... (Ca dao)**

Cách xưng hô trong gia đình có thứ bậc rõ ràng không lẫn lộn được, nhưng tất cả các chữ dùng để chỉ quan hệ trong gia đình đều dùng để xưng hô được, cho nên nghe một gia đình ba thế hệ nói chuyện với nhau, người ta dễ rối trí, tưởng như đang chìm trên một mặt biển gợn sóng không lúc nào yên.

Mẹ nói với con gái: - Mẹ dặn con này, Con ở nhà nhớ cho Bà uống thuốc.

Con gái nói với mẹ: - Thưa Mẹ, Con nhớ rồi.

Con gái với bà: - Bà ơi, cháu lấy thuốc cho bà uống.

Bà: - Bà không uống đâu.

Con gái: - Mẹ dặn cháu cho bà uống thuốc đúng giờ.

Chỉ một chữ Mẹ thôi mà khi thì ở ngôi thứ nhất (câu 1) khi ở ngôi thứ hai (câu 2), khi ở ngôi thứ 3 (câu 5). Con gái nói với mẹ thì xưng con, nói với bà thì xưng cháu.

Một người ngoại quốc mới học tiếng Việt mà nghe thì cứ như ngồi gỡ rối tơ vò!

Cách xưng hô trong gia đình đặt căn bản trên từng thế hệ. Một gia đình thường có ba, đôi khi bốn thế hệ cùng sống. Trên hết là Ông Cố Bà Cố, tiếp đến là Ông Bà Nội Ngoại, sau đó là Cha Mẹ rồi đến Con. Tùy theo từng thế hệ như vậy mà xưng hô với nhau. Liên hệ ngoài xã hội rộng lớn hơn, phức tạp hơn nên cách xưng hô cũng rắc rối hơn.
Cách xưng hô ngoài xã hội

Thời gian trước đây, khi xã hội còn chịu nhiều ảnh hưởng của giáo dục Nho Giáo thì cách xưng hô ngoài xã hội cũng có nề nếp, có quy tắc, hình thành một thói quen chung.

-Xưng hô theo tuổi tác:

Xã hội Việt Nam tôn trọng người lớn tuổi. Khi ra đường gặp người lớn tuổi thì xưng hô Tôi/ Ông Bà, với người trẻ tuổi thì xưng hô Tôi/ Anh Chị, với người nhỏ tuổi hơn thì xưng Tôi/ Cô Cậu.

Người miền Bắc gọi người già là cụ và họ thường chào: - Lạy cụ ạ! Chà, người mà được chào trịnh trọng như thế này chắc là thấy mình sắp được một chỗ ngồi trên bàn thờ!



Ngày nay, cách gọi Bố Mẹ trở nên rất thông dụng. (Hình minh họa)

Người lớn tuổi thì gọi là Ông Bà, người Bắc hay gọi bằng Bác và xưng Em tỏ ý thân mật. “Chào bác ạ.” Người miền Trung miền Nam hay dùng chữ Thưa. Gặp người trẻ tuổi thì họ cũng gọi Cô, Cậu, hay Anh Chị. Cũng như người ta hay gọi cô lái đò, cô hàng xén... Ngay cả những người có địa vị thấp kém trong xã hội, người ta cũng gọi bằng Ông Bà: Ông ăn mày, Bà ăn xin...

Xứ Huế của tôi có một cách gọi khó hiểu, đó là chữ Cụ. Lúc nhỏ tôi thường nghe những người trong nhà ông ngoại tôi gọi người làm vườn trẻ là Cụ, Cụ Trọng. Người  Huế không gọi người già là cụ như người miền Bắc. Người ta dùng chữ Cụ để gọi những người làm nghề lao động chân tay như cụ làm vườn, cụ kéo xe... Thật ra chữ cụ này là do biến âm của chữ Cậu, vốn dùng để chỉ một người trai trẻ nhỏ tuổi hơn mình, nhưng vì người Huế có cách dùng chữ Cậu để gọi con nhà quyền quý là Cậu Ấm, cho nên người ta phải đọc khác đi để chỉ con nhà lao động. Đó là do ảnh hưởng của cách kiêng cữ (kỵ húy) của chế độ vua chúa phong kiến ngày trước.

Người miền Nam thiên về văn hóa mẫu hệ nên họ hay dùng thứ bậc bên ngoại để xưng hô với người cùng quê cùng xóm. Họ không gọi Chú Bác mà hay gọi Cậu Dì với  người họ liên hệ. Khi thân mật quá họ còn gọi các bà là Má, là Ngoại với một giọng Nam rất ngọt. (Tôi không nghe họ gọi nội, trừ phi đó là bà nội thật của họ).

Xưng hô giữa bạn bè:

Bạn bè thông thường gọi nhau bằng Anh, Chị, Bạn, xưng Tôi, Tui, hay Mình. Người miền Bắc có cách xưng hô rất vui: Tớ/Cậu, kể cả con gái cũng xưng hô như vậy. Sau này họ còn gọi bằng Bồ, Ông, Bà. Thân mật hơn họ dùng Mày Tao. Nhiều người miền Bắc cho cách xưng hô Mày Tao là vô cùng thân thiết. Họ nói, chỉ cần gặp lại bạn cũ, ôm nhau kêu Mày Tao là họ thấy vô cùng hạnh phúc. Xứ Huế của tôi thích dùng chữ Mi Tau (khi đọc nhẹ đi thì có âm Ta) mà khi qua Mỹ họ rất nhớ cách xưng hô thân mật ấy cho nên khi họp nhau vui chơi với nhau họ thích gọi “Mừng họp mặt Mi Tau”.

Cách xưng hô với bạn bè rắc rối là sau khi bạn bè lập gia đình. Văn hóa người Việt Nam rất lịch sự, sau khi một người bạn đã lấy vợ hay lấy chồng, người ta thay đổi cách gọi. Khi đó họ không gọi Bạn Bồ Mày Tao nữa, mà gọi là Anh Chị, nhất là khi đứng trước cả hai vợ chồng. Một cô gái khi qua Mỹ du học, gặp một người quen trong trường đại học, hai bên xưng hô là Chú/Cháu. Nhưng sau ngày cưới của cô gái, ông lập tức đổi cách xưng hô, ông gọi bằng Chị và xưng Tôi. Đó là văn hóa Việt Nam, tôn trọng người đã có gia đình, có vị thế riêng. Ngoài xã hội và trên giấy tờ, cô gái còn được gọi bằng Bà. Cách thay đổi từ Cô qua Bà này tương tự như ở các nước phương Tây.

Người Việt Nam còn một cách xưng hô đặc biệt khác nữa, đó là xưng tên. Trong gia đình, anh chị em cũng có  thể xưng tên với nhau. Các cô gái rất thích cách xưng hô này với bạn bè và họ vẫn giữ cách xưng tên này cho đến khi nào họ còn thích. Xưng tên thay cho Mình hay Tau Tui Tôi Ta, nghe nhẹ nhàng êm ái hơn.

Xưng hô theo nghề nghiệp:

Một cá nhân khi đã đến tuổi trưởng thành, khi họ có thể ra đời kiếm một việc làm, xây dựng một gia đình riêng, tự lập riêng thì họ rất được xã hội coi trọng, khi đó họ có thể vỗ ngực xưng TÔI với mọi người mà không còn phải khúm núm xưng con xưng cháu nữa. Khi nói chuyện trước công chúng, họ có thể dùng chữ Chúng Tôi để tỏ ý khiêm tốn.

Trong gia đình nhiều khi cha mẹ còn nể nang gọi họ là Anh Chị hoặc Cậu Cô. Người Việt Nam có ý thức tôn trọng những người trưởng thành có công việc, có sự nghiệp, sống tự lập nên có cách gọi theo nghề nghiệp: Thầy giáo, Cô giáo, thầy thông (thông ngôn) thầy ký (thư ký) ông đốc (Doctor = bác sĩ), bác thợ rèn...

Xưng hô ở trường học:

Ở trường học, Thầy Cô giáo gọi học sinh là Em, vì đó là thế hệ đàn em của mình, học sinh gọi Thầy Cô và xưng Em. Thầy cô giáo xưng hô với cha mẹ học sinh là Tôi/ Anh Chị: như vậy, học trò và con của thầy cô cùng một thế hệ, xưng hô với nhau bằng Anh/Chị/Em như trường hợp con gái tôi đã kể chuyện ở trên, xưng hô bằng Chú/Cháu là không đúng.

Học sinh học đến cấp 3, lúc bấy giờ gọi là Ban Tú Tài, thầy cô trong trường gọi họ là Anh Chị, không gọi bằng em như ở cấp 1 cấp 2 nữa. Lên đại học thì cái Tôi của họ càng được khẳng định hơn, mạnh mẽ hơn, họ có thể gánh vác việc nhà, việc nước, không ai còn coi họ là em là cháu nữa.

Cách xưng hô ngày nay

Năm 1975, cuộc đổi đời làm thay đổi cả nền đạo lý và giáo dục của Việt Nam. Cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng cách xưng hô trong gia đình không thay đổi nhiều trừ chữ Bố dùng để gọi cha lúc trước chỉ có ở miền Bắc, ngày nay chữ Bố được dùng khắp nơi, trở nên rất thông dụng, các cặp vợ chồng trẻ hay xưng Bố Mẹ. Người ta dùng chữ Bố có tính cách thân mật thay cho chữ Cha có tính cách trang trọng, chữ Mẹ cũng trở nên phổ biến hơn, thay cho các chữ Bầm Bủ U Đẻ Me Măng. Tôi thích chữ Mẹ, tôi thấy chữ Mẹ là một chữ hay nhất trong tiếng Việt. Tiếng Mẹ vang lên là thấy cả một gia đình đầm ấm yên vui.

Ngoài xã hội cách xưng hô thay đổi hẳn. Người ta xưng hô thân mật hơn, đem quan hệ trong gia đình áp dụng ngoài xã hội, từ cơ quan nhà nước cho tới công xưởng, ngoài đường ngoài chợ, cách xưng hô không còn theo một nguyên tắc nào cả. Người ta không còn biết ranh giới giữa Chủ/Khách, không tôn trọng người đối diện, bất kể vị thế xã hội của người đó cao hay thấp, cứ gọi một cách tùy tiện. Thấy người nhỏ thì gọi con gọi cháu, thấy người trẻ thì gọi cháu gọi em, gặp người lớn tuổi thì gọi bác chú cô dì... một cách thân mật, nhiều khi không cần thiết. Ngày con gái tôi ra trường, làm giảng viên ở trường Đại Học Tổng Hợp ở Sài Gòn, ở trường đại học, sinh viên gọi bằng Cô, nhưng khi ra chợ mua gì đó thì bị các cô bán hàng trẻ tuổi gọi bằng Em. Cách gọi này không xảy ra trước 1975.

Trường học là nơi giáo dục cho học sinh một nền tảng văn hóa đạo đức vững chắc thì ở đây nhiều khi cách xưng hô cũng không còn đúng mực. Các cô giáo nhiều khi gọi học sinh bằng con, thậm chí ngày nay sinh viên đại học cũng bị gọi bằng em bằng con, hiện tượng này đang trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi trên báo chí ở Việt Nam.

Cách xưng hô tùy tiện không có nền tảng đạo đức này đã gây bất bình cho nhiều người. Xưng hô không đúng là xúc phạm người đối diện, phá vỡ quan hệ giữa hai bên, có thể dẫn tới một sự thiệt hại nào đó. Đem quan hệ gia đình áp đặt cho toàn xã hội là muốn áp đặt một sự khống chế lên cá nhân và xã hội, không cho giới trẻ có cơ hội để tự phát triển vươn lên làm chủ xã hội, làm mất đi ý nghĩa thế hệ trẻ là người chủ tương lai của đất nước.

Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, có một nền tảng đạo lý vững chắc, người Việt Nam khiêm tốn, giàu tình cảm, hiếu khách, cho nên cách xưng hô rất phong phú và tế nhị, tùy từng trường hợp mà người ta biết xưng hô thế nào cho đúng. Một người lịch sự có văn hóa là người phải biết xưng hô đúng cách trong mọi  trường hợp, không làm người khác phật lòng mà còn được mọi người yêu mến tôn trọng. Ta tôn trọng người thì người tôn trọng ta. Nghĩ sai nói sai thì dễ làm sai. Đó là quy luật bao giờ cũng đúng


CAO THU CÚC.

Không có nhận xét nào: